BỆNH DO NHỆN ĐỎ TRÊN HOA LAN THUỶ TIÊN VÀ CÁCH PHÒNG TRỊ
Nhện đỏ (có nhiều giống nhện đỏ chứ không phải 1 giống)
Chừng nào bạn bị thiệt hại hàng ngàn giò lan từ mức độ nhẹ tới rất nặng, thì khi đó bạn mới thấm thía được tác hại kinh khủng của nhện đỏ như tôi.
Lá cây lan cứ từ từ bạc, trắng đi rồi chuyển sang vàng rồi rụng. Quan sát kĩ phía dưới mặt lá bánh tẻ và lá già ta thấy các vết lõm vào, rất gồ ghề và thô ráp, lá cây lan từ từ mỏng đi và mềm hơn. Đấy chính là nhện đỏ dùng vòi như cây kim đâm vào các mô và các tế bào hút nhựa sống của cây lan.
Khi số lượng nhện nhiều ta có thể thấy 1 lớp màng tơ trắng phủ mặt lá. Nhện đỏ chỉ nhỏ bằng đầu cây kim khâu hoặc nhỏ hơn sợi tóc và thường tấn công mặt dưới của lá (số lượng quá lớn mới tấn công lên mặt trên). Chính vì vị trí hiểm yếu và kích thước mang tầm chiến lược (bằng đầu cây kim khâu), nên hầu như chúng ta không phát hiện ra chúng cho tới khi nhìn thấy biểu hiện trên lá lan đã nghiêm trọng.
Chúng thường sinh sôi phát triển vào mùa khô từ khoảng tháng 1 âm lịch tới tháng 5 âm lịch là mạnh mẽ nhất. Tốc độ sinh sản rất nhanh và phá hoại trên TẤT CẢ CÁC LOẠI LAN (các loại lan đơn thân lá mọng thường ít bị hơn một chút).
Có những giò kiều đang đẹp long lanh rực rỡ, chỉ sau vài ba tháng đã hư hại toàn bộ bộ lá. Hoặc những giò Ý Ngọc hoặc Giả Hạc chỉ sau 1-2 tháng đã có cảm giác như muốn rụng hết lá.
Kéo theo hệ lụy bị nhện đỏ phá hoại đó là nấm bồ hóng (những mảng đen bán dưới bẹ lá hoặc trên giả hành hoặc dưới mặt lá). Nấm bồ hóng sản sinh sau khi sử dụng chất thải của nhện đỏ (dịch mật) bám kín bề mặt lá gây mất thẩm mỹ, giảm quang hợp… Ngoài ra, từ các vết chích hút, có những vết rách, xước và các mô tổn thương, chính là chỗ cho nấm và vi khuẩn xâm nhập, đặc biệt là thối nhũn, thối nâu, đốm đen và thối đen… Thật ra nhện đỏ không hẳn phải là màu đỏ, nó còn có thể trong xanh, xanh hoặc hơi tối màu… |