Tình hình sản xuất và tiêu thụ cây có múi tại một số tỉnh thành phía Bắc
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng diện tích cây có múi của cả nước hiện nay là 210.000 ha, trong đó chủ yếu là cam (khoảng 100.000 ha) và bưởi (trên 85.200 ha). Diện tích cam, bưởi có sự tăng trưởng nhanh trong giai đoạn từ 2013 đến nay, cụ thể cam tăng từ 53.800 ha lên 97.400 ha vào năm 2018 với sản lượng trên 840.000 tấn, tăng bình quân 14%/năm, tương ứng 9.200 ha/năm. Tương tự, trong 10 năm từ 2007 đến 2017, diện tích cây bưởi cả nước liên tục tăng, từ 43.500 ha lên 74.200 ha, năm 2018 sản lượng đạt 640.000 tấn. Trong giai đoạn từ 2013 – 2017, diện tích bưởi tăng nhanh, bình quân đạt 13,4%/năm, tương ứng 7.200 ha/năm. Đến nay, 19 tỉnh có diện tích cam đạt trên 1.000 ha. Rất nhiều tỉnh miền Bắc như: Hà Giang, Hưng Yên, Hòa Bình, Phú Thọ… hiện đều có vùng chuyên canh cam lớn. Tình trạng này dẫn đến nguồn cung dư thừa.
Trước đây, nhiều hộ dân trồng cam, bưởi ở miền Bắc đem lại giá trị kinh tế cao, nhưng gần đây giá các loại trái cây này bắt đầu giảm dần do nguồn cung ra thị trường ngày càng lớn. Vụ cam 2019 – 2020, giá cam có xu hướng giảm chủ yếu do nguồn cung tăng mạnh khi bước vào mùa thu hoạch và nhiều loại cam chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa. Trong khi đó, các loại cam trong nước cũng đang chịu nhiều sự cạnh tranh bởi cam nhập khẩu từ Australia, Mỹ.
Hòa Bình: Tại “thủ phủ” cam Cao Phong, diện tích cây ăn quả có múi hiện đạt trên 3.000 ha (trong đó: cây cam gần 1.700 ha, quýt trên 800 ha, bưởi gần 500 ha). Diện tích cây thời kỳ kinh doanh trên 1.500 ha, sản lượng niên vụ 2019 – 2020 dự kiến trên 40.000 tấn. Toàn huyện hiện có trên 970 ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Những năm trước, cam Cao Phong có giá khá cao, khi đến tay người tiêu dùng luôn dao động quanh ngưỡng 50.000 đồng/kg. Thời gian gần đây, diện tích cam lớn do người nông dân chuyển đổi cây trồng từ mía sang trồng cam nên sản lượng cao. Do vậy, giá cam Cao Phong đã giảm nhẹ. Năm nay, giá cam Cam Phong bán lẻ trên thị trường vào đầu vụ thu hoạch dao động quanh mức 30.000 – 35.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cam loại 1 mã đẹp vẫn được thương lái thu mua với mức 45.000 đến 50.000 đồng/kg.
Tuyên Quang: Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, đến nay toàn tỉnh có khoảng 13.900 ha cây ăn quả. Trong đó, diện tích cam là 8.634 ha (6.250 ha cho sản phẩm), đứng thứ 4 toàn quốc và giá trị sản xuất cam quả chiếm 21,8% giá trị sản xuất trồng trọt của tỉnh Tuyên Quang; diện tích bưởi đạt 3.681 ha (1.650 ha cho sản phẩm). Để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, đã có 800 ha cam, bưởi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 50 ha cam, bưởi sản xuất chuyển đổi hữu cơ. Một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu như: Cam sành Hàm Yên, Bưởi Xuân Vân, Bưởi đặc sản Phúc Ninh, Bưởi Yên Sơn. Năm 2019, sản lượng cam ước đạt trên 92 nghìn tấn.
Trong bối cảnh cây có múi, nhất là cây cam trở thành cây trồng chủ lực của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, cam Hàm Yên đã hướng tới phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hướng đến mục tiêu sản xuất sạch. Theo Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Hàm Yên là địa phương đầu tiên của cả nước sản xuất cam theo hướng hữu cơ. Đến thời điểm này, toàn huyện đã có gần 25 ha cam trồng theo tiêu chuẩn này, chủ yếu ở Tân Thành và thị trấn Tân Yên. Cùng với cam hữu cơ, cam VietGAP hiện cũng đang dần mở rộng diện tích ở vùng cam Hàm Yên. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên, từ năm 2016 đến năm 2019, trên địa bàn huyện đã có 24 nhóm hộ được công nhận sản xuất VietGAP với 413 hộ, diện tích xấp xỉ 860 ha, chiếm 11,8% tổng diện tích cam toàn huyện.
Hà Giang: Toàn tỉnh Hà Giang đang có trên 8.800 ha cam, trong đó có trên 4.268 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chiếm trên 80% diện tích cho thu hoạch. Tổng sản lượng cam niên vụ 2019 – 2020 ước đạt trên 71,7 nghìn tấn. Trong đó, cam sành có diện tích trên 7.060 ha và có 4.268,2 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng ước đạt trên 60,7 nghìn tấn; các loại cam khác (cam Vinh và V2) tổng diện tích gần 1.800 ha, sản lượng ước đạt trên 11.000 tấn. Thực tiễn phát triển cây cam của tỉnh trong thời gian qua cho thấy về cơ bản diện tích và sản lượng cam của toàn tỉnh đã ổn định.
Bắc Giang: Hiện nay, tổng diện tích cây có múi của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) là 6.740 ha (tăng hơn 500 ha so năm 2018), trong đó, cây cam là 4.142 ha, bưởi 2.252 ha và cây có múi khác là 346 ha, ước tổng sản lượng cây có múi đạt 58.560 tấn, tăng hơn 5 nghìn tấn so năm trước. Tính đến cuối tháng 11/2019, cam lòng vàng thu hoạch được 35% tổng sản lượng, giá bán 10.000 – 20.000 đồng/kg. Bưởi Da xanh vào cuối vụ thu hoạch, giá bán dao động từ 20.000 – 40.000 đồng/kg. Các loại bưởi khác bắt đầu vào vụ thu hoạch, giá bán khoảng 16.000 – 20.000 đồng/quả. Những năm qua, sản phẩm cây có múi của Lục Ngạn đã được xuất khẩu sang Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, tuy nhiên số lượng chưa lớn, đầu ra chưa ổn định. Do đó, sản xuất cây có múi bền vững, hướng đến xuất khẩu là định hướng của Lục Ngạn trong các năm tới. Mục tiêu của huyện là mở rộng diện tích sản xuất sạch, tiến tới 100% diện tích cây có múi được sản xuất đầy đủ theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Hưng Yên: Tỉnh Hưng Yên có diện tích trồng cây cam khoảng 1.600 ha, sản lượng cam năm 2019 ước đạt hơn 30 nghìn tấn. Trong những năm trở lại đây, cam đang trở thành một trong những nông sản chủ lực được đẩy mạnh phát triển tại Hưng Yên. Hiện tại, 70% diện tích trồng cam của Hưng Yên đang được canh tác theo hướng VietGap. Giá bán tại vườn cam trong tỉnh Hưng Yên vào khoảng 25.000 – 35.000 đồng/kg
Đẩy mạnh tiêu thụ bằng cách tổ chức hội chợ, lễ hội
Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cây có múi, những năm gần đây, một số tỉnh thành phía Bắc đều đặn tổ chức Ngày hội và Hội chợ cây có múi nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, cung ứng các loại trái cây chất lượng cao.
Hòa Bình: Ngày 2/11/2019, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Hội chợ nông nghiệp, sản phẩm OCOP 2019 và Lễ hội cây ăn quả có múi. Đây là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo tổ chức nhằm quảng bá thương hiệu, sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình, cũng như sản phẩm nông lâm thủy sản, thủ công mỹ nghệ tiêu biểu của các địa phương trên cả nước.
Hưng Yên: Công tác xúc tiến, quảng bá thương hiệu cho trái cam nói riêng và nông sản Hưng Yên nói chung đã được đẩy mạnh. Trong đó có việc tổ chức thường niên hàng năm Phiên chợ cam Hưng Yên. Năm 2019, Phiên chợ cam Hưng Yên đã được tổ chức vào ngày 23/11/2019. Phiên chợ năm nay thu hút 70 gian hàng đến từ các hợp tác xã, nhà vườn trồng cam của tỉnh Hưng Yên.
Ngày 6/12/2019, UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức khai mạc Tuần lễ cam và nông sản Hưng Yên tại Hà Nội năm 2019. Sự kiện Tuần lễ cam và nông sản Hưng Yên đã thu hút hàng nghìn du khách Thủ đô và nhiều tỉnh, thành phố lân cận đến tham quan, thưởng thức và mua sắm. Tuần lễ cam và nông sản Hưng Yên năm 2019 diễn ra từ ngày 6/12 đến hết ngày 11/12/2019.
Hà Giang: Ngày 19/12/2019, “Tuần lễ cam sành, các sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hà Giang năm 2019” được UBND tỉnh Hà Giang và UBND TP.Hà Nội phối hợp tổ chức, với quy mô 24 gian hàng tiêu chuẩn. Đây là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng của tỉnh Hà Giang trong việc quảng bá, tuyên truyền, phát triển, khẳng định thương hiệu và tiêu thụ rộng rãi các sản phẩm cam và nông sản tiêu biểu của tỉnh Hà Giang tới người tiêu dùng Thủ đô, khách du lịch trong nước và nước ngoài. Tuần lễ sản phẩm cam sành, sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hà Giang kéo dài đến hết ngày 29/12/2019.
Tuần lễ cam sành, các sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hà Giang năm 2019
Một số giải pháp để phát triển bền vững cây có múi trong thời gian tới:
Bên cạnh những mặt tích cực là mang lại thu nhập cho nông dân, diện tích và sản lượng cây có múi của cả nước nói chung và các tỉnh phía Bắc thời gian qua tăng nhanh đã gây áp lực rất lớn đến thị trường tiêu thụ, nông dân phải đối mặt với nguy cơ “được mùa, mất giá”. Do đó, để phát triển bền vững cây có múi, một số tỉnh thành đã triển khai các giải pháp như:
+ Tổ chức điều tra nghiên cứu, quy hoạch vùng trồng cây ăn quả, khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích ra khỏi những khu vực tiềm năng thế mạnh.
+ Sử dụng phân bón hữu cơ và vi sinh để sản xuất an toàn, bền vững. Tập trung sản xuất, mở rộng diện tích sản xuất sạch, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP tiến tới GlobalGAP. Dán tem truy xuất nguồn gốc trên quả và bao bì nhằm tránh hàng giả, hàng nhái trà trộn làm mất uy tín sản phẩm.
+ Liên kết sản xuất, tiêu thụ, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn đầu tư, liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị cây ăn quả chủ lực trồng tập trung, từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến và xuất khẩu.
+ Đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội và hướng tới xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, góp phần bảo đảm đầu ra ổn định để người dân yên tâm sản xuất.
+ Hỗ trợ, khuyến khích liên kết với các doanh nghiệp đầu tư chế biến với công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm chế biến sâu để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị gia tăng (nhất là đối với cam).
+ Nâng cao năng lực thông tin, dự báo về thời tiết, sâu bệnh hại, thị trường tiêu thụ để giúp các địa phương và nông dân có kế hoạch sản xuất cây có múi phù hợp.