Chat hỗ trợ
Chat ngay
Uncategorized

KỸ THUẬT TRỒNG HOA LAN QUẾ

Posted On April 29, 2022 at 2:28 pm by / No Comments

Đặc điểm của lan quế

Lan quế có danh pháp khoa học là Aerides odorata, thuộc họ lan Orchidaceae, chi lan giáng hương (Aerides falcata). Loài này sở dĩ có tên gọi như vậy là do hoa của chúng có hương thơm của quế khá đặc trưng với màu hoa rất đẹp và đa dạng.

Thực chất lan quế chỉ có hai loại khác nhau đó là lan quế hương màu trắng. Và loại còn lại đó là lan quế tím. Tùy vào từng vùng và điều kiện khí hậu mà lan quế tím cho ra các màu hoa khác nhau như màu tím nhạt, màu hồng nhạt, hồng tím hoặc màu hồng. Chính vì vậy mà nhiều người chơi lan hay nhầm lẫn lan quế có rất nhiều loại.

Hình ảnh lan quế trắng
Hình ảnh lan quế trắng

Về đặc điểm phân bố, loài lan này thường sống ở các vùng nhiệt đới ẩm và cận nhiệt Châu Á. Lan quế phân bố khá rộng trong tự nhiên ở nước ta, do đó mà màu sắc hoa tùy vùng sẽ hơi khác nhau, dòng hoa được ưa chuộng nhất hiện nay là lan quế Hòa Bình. Có một số loại phổ biến khác là loài lan quế ở các tỉnh miền Trung hoặc Lào.

Lan quế thường nở hoa vào tháng 8 nên cũng được nhiều người gọi là Lan quế tháng 8.

Phân biệt các loại lá lan quế

Lan quế là loài hoa lan rất đặc biệt, do lá của chúng rất đa dạng cho nên người ta khó có thể phân biệt loài lan này với một số loại khác dựa vào lá của chúng. Tuy nhiên, dựa theo hình dạng lá thì lan quế vẫn được phân làm 2 loại chính là quế lướt và quế xếp (Còn 1 loại khác là lá vừa nhăn vừa xếp nhưng ít phổ biến). Tuy thân lá khác nhau nhưng về khuôn bông và mùi hương thì hai loại lan này không có sự khác biệt.

Quế lá xếp thì hình dáng lá thường thẳng và cứng cáp. Lá phát triển theo hướng chếch lên trên, mọc rất khít nhau và ôm sát thân. Do đó mà loại quế xếp thường có thân và lá ngắn, dày hơn loại quế lướt.

Quế lướt có kiểu lá hơi dài lả lơi, lá mọc thưa nhau, không xếp khít. Lá lướt nhìn dài và mỏng, thân cây cũng nhỏ và mềm hơn so với quế xếp. Loại này khi mọc dài thường ngả ngang ra do thân nhỏ không đỡ được sức nặng trong khi ngọn cây vẫn vươn về phía ánh sáng.

Cách nhận biết lan quế

Thân: Lan quế có thân lá dày và cứng, thân to với đường kính thân khoảng 0,8 đến 2 cm, đường kính thân còn tùy thuộc vào loại lan lá xếp hoặc lá lướt. Thân cây thông thường có màu xanh vàng hoặc xanh trơn có thể có chấm tím do lượng ánh sáng cung cấp cho cây quyết định.

Lá: Lá của Lan quế thường có màu xanh đậm, xanh vàng, cũng có thể có những đốm tím, lá có kích thước khoảng 16 đến 25 cm và rộng 2 đến 5 cm. Một số dòng quế có thể có lá bản to hơn 5cm như quế trắng Hòa Bình, loài này khá hiếm gặp.

Rễ: Rễ lan quế thuộc loại rễ gió nên có thể mọc rễ quanh năm, rễ được mọc ra ở giữa thân và nách lá, rễ của lan quế dài ra theo thời gian và phân nhánh tạo thành bộ rễ rủ xuống hút nước và dinh dưỡng để nuôi cây.

Mặt hoa: Lan quế có hoa dạng chùm dài từ 20 đến 30 cm, kích cỡ bông cũng rất đa dạng, cánh hoa có thể dài từ 2,5 đến 3,5 cm. Mỗi chùm có khoảng 10 thậm chí có tới 60 bông hoa. Cánh hoa hơi tròn, lưỡi hoa cong lên. Hoa mới nở thường có màu trắng pha xanh lục, sau chuyển sang trắng ngà và có màu ngả vàng khi hoa sắp tàn.

Mùi hương: Lan quế có mùi hương quế thơm nồng vô cùng đặc trưng nên có thể dễ dàng nhận biết loài này qua mùi hương. Không cần phải quan sát bằng mắt, bạn vẫn có thể nhận ra lan quế qua mùi hương của nó khi đứng cách vài mét.

Lan quế tím
Lan quế tím

Cách trồng lan quế

Thời điểm thích hợp nhất để trồng lan quế là khi thời tiết vào xuân, trời ấm lên và có độ ẩm cao. Lan quế khi mới mua về cần cắt bỏ những lá dập, úa, cắt hết những vòi hoa khô và cắt ngắn phần rễ để rễ mới mọc ra sẽ bám tốt vào giá thể. Nếu như lan quế chưa thuần đang có vòi hoa thì cũng nên cắt bỏ tránh để cây bị mất sức.

Sau bước cắt tỉa, bạn hãy ngâm cây vào thuốc kích rễ và sát khuẩn cây trong khoảng 1 giờ. Ngâm xong vớt ra rồi treo ngọn trúc xuống cho ráo nước sau đó tiến hành ghép. Hàng ngày phải phun tưới ẩm cho cây vào buổi sáng và buổi chiều, cần tránh nước đọng ở nách lá.

Lan quế có thể ghép trên nhiều loại giá thể như chậu, gỗ, dớn hoặc cây sống … khúc vú sữa hoặc lũa dùng để ghép lan quế cũng rất đẹp.

Cách chăm sóc lan quế

Trong quá trình chăm sóc lan quế, cần lưu ý là nếu nắng quá cây sẽ bị cháy lá. Cây phát triển tốt trong điều kiện được cung cấp 60-70% nắng và có gió. Ngoài ra cần phải thường xuyên giữ ẩm cho cây, nếu khô nóng cây sẽ còi cọc, lá cũng sẽ không đẹp. Lưu ý thứ hai là không được để ngọn bị tưới nước đọng lúc trời nắng và cũng không nên tưới sũng cho cây khi đêm muộn.

Về tưới phân, lan quế thuộc dòng rễ gió nên bón các loại phân qua lá. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng những loại phân tan chậm trong túi đóng sẵn, 3-4 tháng lại thay túi phân một lần.