CÁCH TRỒNG VÀ CHĂM SÓC VẢY RỒNG LÀO
Vảy rồng có hai loại, vảy rồng Lào và vảy rồng ta. Bài viết này sẽ giới thiệu cho các bạn về cách nhận biết, trồng và chăm sóc Vảy rồng Lào.
Giới thiệu về Vảy rồng Lào
Vảy rồng Lào là loại lan phụ sinh phân bố rất rộng như Lào, Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar…Về đặc điểm sinh thái, vảy rồng Lào thuộc họ Kiều (miền trung, nam gọi họ Thủy tiên), thân (giả hành) rất ngắn chỉ dài khoảng 4-7 cm, đường kính 2-4 cm, thóp nhỏ ở gốc và ngọn, phình to ở giữa, một giả hành thường có khoảng 3-4 đốt, rất cứng. Trên thân Vảy rồng Lào có nhiều rãnh và cạnh chạy dọc, thường có 7-8 cạnh nên thân gần như hình trụ tròn. Các giả hành đơn lẻ xếp sát nhau thành mảng tạo cảm giác cứng cáp, chắc chắn như bộ vảy của loài bò sát, có lẽ vì thế người ta gọi Vảy rồng. Một thân (giả hành) chỉ có một lá rất dày, cứng, màu xanh thẫm ở đỉnh dài khoảng 3-7 cm, bề rộng 2-4 cm, đầu lá tròn.
Lan Vảy rồng Lào thường ra hoa mùa xuân – hè, khoảng tháng 4-6 dương. Ngồng hoa phát ra từ giả hành đã trưởng thành, trên một ngồng gồm nhiều bông đơn lẻ tạo thành chùm rất đẹp. Ngồng hoa thường dài 15-30 cm. Mỗi bông đơn kích cỡ khoảng 3 cm, màu vàng tươi (đậm nhạt còn tùy xuất xứ vùng miền, sức khỏe, ánh sáng cây được hưởng), họng hoa màu vàng sẫm hơn cánh, môi tròn rộng, có mùi thơm thoảng nhẹ. Cũng như các loại lan họ Kiều, hoa của Vảy rồng Lào không bền lắm, tàn sau khoảng 7-10 ngày tùy sức khỏe cây tuy nhiên vẫn được nhiều người yêu thích và được trồng phổ biến khắp đất nước.
Cách trồng & chăm sóc Vảy rồng Lào
Nhiều người thích ghép miếng to để đỡ mất thời gian, ít ảnh hưởng đến các giả hành, nhìn đẹp mắt, khỏe khoắn nhưng theo tôi ghép những miếng cỡ nhỏ và trung bình cũng rất tốt vì có thể lựa được những miếng có nhiều giả hành tơ (miếng to thường cũng lẫn nhiều giả hành già, điều này không tránh khỏi được vì có thân già thì mới có thân tơ, không thể chỉ toàn thân tơ được), miếng nhỏ lại dễ tùy biến tạo thế khi ghép hơn nhất là khi cần để ghép lũa, rõ ràng một miếng Vảy rồng lớn sẽ khó mà ghép vào một khúc lũa lồi lõm cong queo.
Giá thể ghép Vảy rồng Lào theo tôi thích hợp nhất là gỗ khúc mới cắt còn vỏ (nhãn, vũ sữa hoặc một số loại gỗ có vỏ dày xốp), tiếp đó là lũa, ít khi trồng vào chậu đất nung với than và vỏ thông do kiểu đi của giả hành dạng mảng sẽ rất khó cố định. Đi một số nơi tôi nhận thấy ghép thẳng Vảy rồng lên thân cây nhãn đang sống cũng phát triển rất tốt, ra hoa đều đặn dù hầu như không cần chăm sóc. Vảy rồng Lào hàng cân khi mua về ta cắt bớt rễ đi, ngâm dung dịch thuốc kích rễ hoặc B1 1-2 tiếng đồng hồ rồi tiến hành ghép luôn (hoặc để tạm ra nơi râm mát 1 vài ngày sau ghép cũng không vấn đề gì). Một điểm chú ý khi ghép Vảy rồng Lào lên gỗ là ghép sao cho gốc rễ miếng vảy rồng cách khúc gỗ giá thể 1 chút xíu cỡ 0,5 cm sẽ dễ ra dễ hơn (có thể dùng một miếng gỗ nhỏ chèn giữa gốc và gỗ, sau đó dùng dây cố định chặt miếng vảy rồng với khúc gỗ giá thể để việc tưới nước và gió thổi không làm cây lung lay).
Mới ghép các bạn nên chăm chỉ tưới 2-4 lần/ngày, treo nơi râm mát, khoảng 5-7 ngày lại phun thuốc kích rễ 1 lần (Atonik, B1) theo liều lượng loãng hơn trên vỏ chai/gói 1 chút, cứ như vậy cho đến khi ra rễ thì thay thuốc kích rễ bằng phân bón lá NPK 30-10-10 hoặc 20-20-20 cũng 5-7 ngày/lần, bón quanh năm cho đến qua tết âm lịch thì phun NPK 10-30-10 5-7 ngày/lần và treo ra nắng để kích hoa. Sau tàn hoa lại tiếp tục dùng NPK 30-10-10 hoặc 20-20-20…Do ghép gỗ lại không cần xơ dừa, dớn lót nên ta cứ tưới thoải mái nhiều lần trong ngày, nước trôi ngay, có thể thấy giá thể khô lại tưới được còn nếu ẩm thì thôi, đừng lo chuyện bị úng.
Sau khi cây ra rễ khỏe mạnh đưa dần giò vảy rồng Lào ra nắng, loài này khi đã thuần có thể chịu nắng trực tiếp thời gian dài trong ngày, thậm chí đủ nắng mới ra hoa, hoa nhiều, đậm màu, bền hơn và nhu cầu về nước khi đã thuần cũng ít đi. Về cơ bản nó là loài ưa nắng, độ ẩm trung bình.
CẦN TƯ VẤN KỸ THUẬT LIÊN QUAN ĐẾN NẤM BỆNH HẠI VÀ QUY TRÌNH KỸ THUẬT VỀ CÂY TRỒNG
XIN MỜI BÀ CON GỌI ĐIỆN THOẠI VỀ SỐ 0982.427.033