BÍ QUYẾT ĐỂ GIÚP HOA LAN RỪNG LÂU TÀN
Hầu hết các giống lan công nghiệp hoa nở rất lâu tàn, thế nhưng với một giò lan rừng, trong khi phải bỏ ra bao nhiêu công sức mới có được, vậy mà nhiều khi hoa chỉ nở được dăm bảy ngày. Vậy phải làm cách nào để các giò lan khoe sắc được lâu hơn?
Sở hữu hàng trăm giống lan đủ loại, xuân – hạ – thu – đông khi nào cũng có lan nở trong vườn, tôi đã kiểm chứng và ghi chép lại số liệu thực nghiệm, từ đó đúc kết được kinh nghiệm để giữ những giò lan rừng lâu tàn. Nhân dịp tết đến xuân về, tôi xin được chia sẻ, với hy vọng giúp ích phần nào cho người yêu hoa có được những giò lan rừng bền lâu.
1. Trong thời gian lan nụ và nở hoa thì không (hoặc hạn chế tối đa) tưới nước vào nụ và hoa vì sẽ làm thối nụ, hoa, hoặc làm dập nát hoa. Đặc biệt tránh để hoa dầm mưa, nếu lan nở hoa ta nên cho vào trong mái hiên hoặc nơi có đủ ánh sáng mà không bị mưa táp vào.
Tóm lại cần hạn chế tưới nước, đây là kinh nghiệm mà tôi tâm đắc nhất. Giò Đại Ý Thảo (hình 1), 4 ngày tôi mới phun 1 ít nước vào giá thể và rễ (không đẫm, chỉ đủ ẩm rễ, giúp rễ không bị chết khô), thế mà hơn 20 ngày hoa vẫn chưa tàn. Cũng giò Đại Ý Thảo đó, năm ngoái có hoa nhưng tôi để ngoài vườn, tưới nước bình thường, đúng 8 ngày tàn hoa. Thật không thể tin nổi! Các bạn sẽ thấy sau 20 ngày, giả hành của lan bị tóp lại, nhưng yên tâm, lan rất lì và sẽ không chết. Hết hoa tưới lại bình thường, sau 1 – 2 tuần giả hành sẽ lại căng trong lên ngay. Kinh nghiệm này áp dụng với hầu hết các loại lan đa thân (thân thòng) ví dụ như các loại: Kiều (Thủy Tiên), Dendro, Giả Hạc, Long Tu, Hoàng Thảo Vôi, Hoàng Thảo Kèn, Trầm…
Thêm ví dụ khác về giò Kiều Trắng, nếu nở hoa bạn tưới nhiều nước hàng ngày vào gốc và giá thể thì khoảng 5-7 ngày hoa sẽ tàn. Nếu 2 ngày bạn mới phun sương 1 chút nước vào rễ thì có thể giữ hoa được 10 – 15 ngày.
Riêng đối với các loại lan đơn thân như Ngọc Điểm, Đuôi Cáo, Sóc Lào, Sóc Ta, Hải Yến… thì vẫn nên tưới hàng ngày để lá không bị nhăn và hạn chế rụng lá chân. Có thể không tưới thì hoa lâu tàn hơn một chút, nhưng cái được không bù cái mất khi lá bị vàng và rụng.
2. Không nên bón phân trong lúc lan đang hoa. Vì ra hoa chính là một cách duy trì nòi giống khi tới mùa hoặc cây bị báo động nguy hiểm tới sinh mệnh, bởi vậy khi bạn bón phân vào (đặc biệt là các loại phân giàu đạm), cây không có cảm giác sắp chết đói nữa, nó sẽ đánh thức các mắt ngủ và làm hoa tàn nhanh để giữ chất đẻ con. Nếu có phun phân thì chỉ phun chút xíu vi lượng vào bộ rễ, đặc biệt không phun phân dính vào nụ và hoa (khoảng 1/3 tới 1/2 liều ghi trên bao bì).
3. Nên để lan chỗ ít gió, ít côn trùng để tránh làm khô cánh hoa, tránh hoa bị thụ phấn. Các bạn muốn thử nghiệm, hãy thụ phấn cho hoa hoặc để chậu lan chỗ gió to; lấy quạt thổi vào hoa sẽ nhận thấy ngay, hoa sẽ chỉ nở được số ngày bằng 1/4-1/2 số ngày trung bình của giống lan đó.
4. Nhiệt độ vừa phải, càng nóng lan càng nhanh nở và nhanh tàn. Có 1 ví dụ cụ thể như thế này: Hai giò Long Tu khi mới hơi sưng mắt nhú nụ, 1 giò mang vào chỗ ánh sáng 35% và nhiệt độ 15 độ C thì khoảng 30-35 ngày hoa mới nở, giò kia mang ra chỗ nóng 32 độ và nắng 70% thì khoảng 18 ngày sẽ nở hoa.
Nếu hoa nở giữ ở mức nhiệt 18-22 độ thì khoảng 15 ngày hoa sẽ tàn, nếu mức nhiệt 32 độ thì khoảng 10 ngày sẽ tàn.
Ánh sáng nên vừa phải. Lan sẽ rực rỡ hơn và thơm hơn nếu đủ nắng, nhưng nhiều nắng quá, lan sẽ nhanh tàn, cánh nhanh bị khô héo. Quá tối, màu hoa rất nhợt nhạt và ít thơm.
Khi mua lan ở vùng khác về, bạn phải tìm hiểu xem vùng đó nóng hay lạnh để treo lan trong giàn chỗ có khí hậu gần với chỗ bạn mua nhất, tránh bị sốc nhiệt gây hỏng nụ và hoa.
5. Trước mỗi mùa hoa, bắt buộc phải phun thuốc diệt côn trùng gây hại, chẳng hạn: Kiến sẽ mang rệp tới hút nhựa nụ và hoa, cuống hoa; Gián ăn nụ và hoa vào ban đêm, Bọ trĩ hút chất trên nụ và hoa; Muỗi hút nhựa nụ và hoa; Ong vàng và Kiến đen sẽ chích và đẻ trứng vào nụ và cánh hoa…
Khi phun thuốc nhớ phun khắp vườn, cả nền đất và các cây lớn xung quanh, phun ướt giá thể. Hiệu quả nhất là phun lúc chiều gần tối ít nắng, không mưa và gió lặng. Phun thuốc thốc từ dưới lên để ướt mặt dưới lá hoặc ướt giá thể và chậu lan.
Khi bắt buộc phải phun các loại thuốc nấm và khuẩn để phòng và trị bệnh cho lan vào lúc có nụ và hoa thì tốt nhất nên phun né nụ và hoa ra. Phải đuổi sên và ốc sên đi với vỏ trứng đập nát bỏ vào giá thể hoặc rải bả sên trước khi lan ra nụ vì sên rất thích ăn cánh hoa.
6. Khi nhành hoa có 1 bông héo, phải ngay lập tức cắt bỏ vì khí và năng lượng tiêu cực từ bông hoa héo úa sẽ làm ảnh hưởng tới các bông xung quanh. Nên treo giò lan tránh xa khói thắp nhang và khói thuốc lá vì khí ethylen sẽ làm rụng cả nụ lẫn hoa.
Khi thưởng hoa, không nên sờ vào hoa, không được nắn bóp nụ. Phải coi bông hoa như 1 người con gái mới nhớn, bạn chỉ được nhìn bằng mắt, cấm sờ vào hiện vật, sờ vào sẽ gây ra những tác dụng phụ vô cùng nghiêm trọng.
7. Điều cuối cùng: Cây lan phải to, khỏe, sung thì hoa mới lâu tàn,bởi vậy giai đoạn chăm sóc trong suốt quá trình sinh trưởng trước khi ra hoa cũng rất quan trọng. Cùng 1 lô lan Hoàng Lạp: 1 chậu cây sung mãn, hoa nở 15 ngày; 1 chậu cây èo uột, hoa nở 7 ngày tàn.
Nếu trước khi tạo nụ 1 tháng, bạn bổ sung đủ lân, kali và vi lượng (ví dụ 6-30-30TE) thì hoa sẽ to hơn, lâu tàn hơn, màu sắc đậm và rực rỡ hơn. Nếu thiếu Kali hoa sẽ nhạt màu, thiếu Mo và Bo nụ sẽ rụng (2 yếu tố vi lượng).
Nếu thực sự yêu lan, không nên chơi hoa cho tới khi hoa tàn hẳn. Khi hoa có 1 chút dấu hiệu héo thì nên ngắt hoa đi để dưỡng cây, tránh cây bị kiệt sức. Cũng không nên quá chạy theo sự sai hoa mà ép cây; bình thường một giả hành Kiều 1 – 2 vòi nụ là đẹp và khỏe, nếu ép ra bốn, năm vòi nụ thì không những hoa sẽ nhanh tàn mà cây con mọc ra sẽ bị yếu, khó lớn nổi.
Theo Nguyễn Ngọc Hà
CẦN TƯ VẤN KỸ THUẬT LIÊN QUAN ĐẾN NẤM BỆNH HẠI VÀ QUY TRÌNH KỸ THUẬT VỀ CÂY TRỒNG
XIN MỜI BÀ CON GỌI ĐIỆN THOẠI VỀ SỐ 0982.427.033