Chat hỗ trợ
Chat ngay
KIẾN THỨC VỀ LAN

CÁCH TRỒNG VÀ CHĂM SÓC LAN CĂN DIỆP

Posted On September 30, 2020 at 8:50 am by / No Comments

Lan Căn Diệp vốn là loài lan độc lạ, không có lá hoặc lá cực nhỏ, hoa cực sai nên được nhiều người ưa thích. Bài viết này tôi sẽ hướng dẫn mọi người cách trồng lan căn diệp chuẩn khoa học, sai hoa nhất. 

 

Giá thể trồng lan căn diệp

Lan căn diệp có bộ rễ cực kì phát triển. Kể cũng đúng thôi vì chúng đâu có lá, ngoài bộ rễ phát triển, đoạn thân nhỏ xíu thì chúng chẳng còn gì. Do đó, giá thể trồng lan căn diệp cực kì phải được chọn lọc kĩ lưỡng không giống như những loại lan khác.

Gỗ, lũa càng chắc, bền lâu càng tốt. Những loại lan có bộ rễ phát triển nói chung và lan căn diệp nói riêng đều không thích thay đổi giá thể thường xuyên.

Các loại gỗ yêu cầu không được bong tróc vỏ, nếu dễ bị bong tróc vỏ thì cần phải bóc vỏ trước khi ghép căn diệp. Có thể kể đến nhãn, ổi, vải…

Nếu gỗ để được cả vỏ (như vú sữa) thì cần phải đảm bảo không có nấm bệnh bởi vỏ cây có thể giữ ẩm tốt hơn, do đó dễ bị dính nấm hơn.

Các loại gỗ lựa chọn để trồng lan cần được xử lý nấm trước khi ghép, có nhiều cách xử lý như ngâm trong nước vôi loãng 1 ngày, ngâm trong chế phẩm xử lý nấm bệnh pha loãng 1 ngày hay nhiều bác dùng cách hơ vào lửa (xém tí cũng được không sao). Đôi khi một chiếc chậu gốm hay chiếc vò gốm nhỏ đề trồng lan Căn diệp sẽ giúp bạn tăng tính thẩm mỹ rất nhiều.

Cách trồng và chăm sóc lan căn diệp

Cách trồng lan căn diệp như thế nào

Căn diệp là loại lan không có lá, do đó tất cả các chất dinh dưỡng của chúng tập trung toàn bộ ở rễ. Do vậy các bạn đừng có cắt rễ căn diệp đi nhé cắt rễ đi như vậy là vất đi luôn.

Khi mua căn diệp về sẽ có 2 dạng, một là nguyên bản căn diệp vẫn bám trên cành cây, hai là loại bóc, người ta hay gọi là bóc trụ hay bóc rừng.

Với lan căn diệp nguyên bản, nếu bạn thấy giá thể của chúng vẫn còn tốt, cứng, không bị mục nát thì có thể treo lên trồng luôn mà không cần ghép lại. Tuy nhiên bạn cần phải xử lý nấm bệnh trước, treo cách ly rồi sau đó mới treo lên giàn tránh lây lan mầm bệnh.

Với căn diệp bám gỗ đã mục, bạn có thể tách giá thể ra để ghép lại. Để hạn chế tối đa vết xước và đứt rễ, bạn hãy ngâm chúng vào một chậu nước đầy tầm 30 phút, sau đó tiến hành tách. Bạn có thể ngâm ngay vào nước diệt khuẩn, chống nấm để trừ khử mầm bệnh. Việc ngâm trong nước sẽ giúp rễ cây được bóc ra dễ dàng, có thể ngâm lâu hơn chút cũng được.

Sau khi tách được chúng ra, bạn treo chỗ thoáng để khô, chừng 2-3 giờ rồi sau đó bắt đầu ghép.

Cách trồng và chăm sóc lan căn diệp

Cách ghép lan căn diệp như sau:

Bước 1: Trước tiên, với giá thể bạn cần làm luôn móc treo để cố định, ghép căn diệp dễ dàng hơn.

Bước 2: Dùng kéo sắt, cắt tỉa các ngồng hoa của cây đi, dù hoa héo hay khô, đồng thời cả rễ héo, bầm dập. Tuy nhiên với rễ thì hạn chế cắt nhé, tỉa vừa phải thôi vì nó chứa chất dinh dưỡng của cây mà. Rễ tua rua cũng cứ để đó nhé!

Bước 3: Căn chỉnh vị trí ghép cây. Hướng mắt của căn diệp ra ngoài sao cho khi nó có hoa thì các ngồng hoa được bung tỏa thoải mái nhất. Bởi lẽ mắt căn diệp không thể dài ra, không thể thay đổi vị trí nên bạn ghép mắt nó ở đâu thì hoa ra đúng ở đó. Với đặc điểm này bạn có thể hoàn toàn chủ động cho cây ra hoa tạo nên những hình thù đặc sắc theo ý thích.

Bước 4: Sử dụng dây buộc cố định mắt của căn diệp vào giá thể. Với dây buộc này thì bạn lưu ý loại dây phải buộc được chắc chắn, không lỏng lẻo. Bản dây không được quá to, dễ dàng cắt bỏ khi căn diệp đã ra đủ rễ để bám giá thể chắc chắn. Thông thường mọi người hay chọn loại dây lõi của dây điện thoại hay dây mạng, loại này có dây đồng bên trong ngoài bọc nhựa đảm bảo được các yêu cầu về độ bền chắc và vẫn thông thoáng, chú ý không xiết dây quá chặt làm đứt hoặc hỏng rễ.

Dây buộc theo quy cách vòng tròn, không quấn dây trải dài từ trên xuống dưới như quấn chổi. Mỗi vòng dây cách nhau khoảng 2 đốt ngón tay là được. Việc quấn thưa giúp rễ cây có thể thở được, nếu quấn bít kín rễ sẽ thối và cây sẽ chết.

Bước 5: Sau khi cố định được các mắt căn diệp khoảng 2-3 vòng dây ( tùy vào độ dài của rễ cây) thì bạn cùng kéo cắt cụt phần rễ cây ngay sát vòng dây cuối cùng. Mục đích là để rễ mới ra có thể bám chắc ngay vào giá thể mà không tua tủa, rễ xòe rễ cụt nhìn rất mất thẩm mỹ.

Việc chọn giá thể và cách ghép bạn sẽ lựa chọn sao cho phù hợp và dễ làm nhất, chú ý tới tính thẩm mỹ và vẻ đẹp của lan khi cây đã bám vào giá thể!

Cách trồng và chăm sóc lan căn diệp

Cách chăm sóc lan căn diệp:

Căn diệp chăm sóc không hề khó nếu bạn hiểu được đặc tính của nó: Ưa ẩm và chịu bóng

Chế độ nước tưới

Ngày tưới 1 – 2 lần tùy theo môi trường và tiểu khí hậu. Nếu vườn lan nhà bạn ẩm, có thể chỉ cần tưới buổi sáng sớm, nếu nhanh khô thì có thể tưới 2 lần/ngày: sáng sớm và chiều muộn.

Cách trồng và chăm sóc lan căn diệp

Chế độ ánh sáng

Căn diệp có thể chịu được nắng nhẹ chứ không chịu được nắng quá mạnh, đặc biệt là nắng hè. Do đó bạn có thể trồng sao cho chúng ăn được nắng sáng đến 10 giờ, chiều từ 16 giờ trở đi là được. Lưu ý là không cho chúng ăn nắng trực tiếp mà dưới 2 lớp lưới nhé, cường độ ánh sáng khoảng 40-50%.

Chế độ ánh sáng của căn diệp khá giống so với hồ điệp, vì vậy bạn có thể trồng dưới 2 lớp lưới hoặc chỉ nắng 1 buổi sáng/ chiều là được.

Chế độ phân bón: Bạn có thể sử dụng chế độ phân bón vừa phải dưới dạng phun nước. Căn diệp chỉ thấy rễ nên bạn dùng phân dê, phân tan chậm gắn thì hạn chế hoặc không nên dùng vì rất mất thẩm mỹ.

Các nhân tôi thấy loại này dùng dịch chuối mà tưới thôi là đủ rồi.

Lan căn diệp có lá hay không? Đôi lúc các bạn có thể thấy lan căn diệp ra lá, mặc dù ít nhưng rất nhỏ. Nguyên nhân là do chế độ nước tưới, độ ẩm khiến chúng ra lá giống như loài xương rồng. Với đặc điểm này bạn có thể điều chỉnh nước tưới cho phù hợp hơn.

Lan căn diệp trồng và chăm sóc chỉ đơn giản vậy thôi, nếu bạn là người khéo léo và thẩm mỹ có thể tạo ra được những tác phẩm để đời, chăm lan chúc các bạn sở hữu một giò lan căn diệp thật ưng ý nhé!

Cách trồng và chăm sóc lan căn diệp

Theo chamlan.com

 

CẦN TƯ VẤN KỸ THUẬT LIÊN QUAN ĐẾN NẤM BỆNH HẠI VÀ QUY TRÌNH KỸ THUẬT VỀ CÂY TRỒNG

XIN MỜI BÀ CON GỌI ĐIỆN THOẠI VỀ SỐ 0982.427.033