LAN MẬT KHẨU GIẢ – CLEISOSTOMOPSIS EBERHARDTII
Lan sống bám, thân dài 30cm, đường kính 3 – 4mm. Lá hình trụ, dài 8mm, đường kính 2mm, có khớp ở giữa phiến và bẹ. Cụm hoa dài 4 – 7cm, mang hoa gần như từ gốc.
Tên Việt Nam: Lan mật khẩu giả
Tên Latin: Cleisostomopsis eberhardtii
Đồng danh: Cleisostomopsis eberhardtii (Fin.) Seidenf, 1992; Saccolabium eberhardtii Fin. 1910; Saccolabium eberhardtii (Fin.) Aver. 1988
Họ: Phong lan Orchidaceae
Bộ: Phong lan Orchidales
Lớp (nhóm): Cây phụ sinh
Mô tả:
Lan sống bám, thân dài 30cm, đường kính 3 – 4mm. Lá hình trụ, dài 8mm, đường kính 2mm, có khớp ở giữa phiến và bẹ. Cụm hoa dài 4 – 7cm, mang hoa gần như từ gốc. Lá bắc hình tam giác, ngắn hơn nhiều so với cuống hoa và bầu. Hoa nhỏ, màu hồng nhạt. Lá đài và cánh hoa chỉ có một gân.
Lá đài trên hình trứng nhọn, hai lá đài bên hơi hẹp bên hơn và dài hơn. Cánh hoa hẹp hơn nhiều ở gốc. Cánh môi màu hồng thẫm, không cuống, hai thùy bên hình tam giác, thùy giữa dài hơn 3 lần. Cựa dài gần bằng cuống hoa và bầu, hình trụ, không có vách ngăn dọc ở trong nhưng có một khối u lồi hình chữ Y. Trụ ngắn.
Sinh học: Vào tháng 4 thấy cây có mang hoa.
Nơi sống và sinh thái: Sống bám trên thân và cành thông hay một số cây gỗ khác trong rừng mưa nhiệt đới thường xanh mưa mùa ẩm, ở độ cao khoảng 1400 – 1800 m.
Phân bố: Loài đặc hữu rất hẹp của Việt Nam, mới chỉ gặp được ở điểm lấy mẫu chuẩn thuộc tỉnh Lâm Đồng (Đà Lạt: thác Đantala, Lạc Dương: núi Langbian, Đơn Dương), Ngọc Linh, Chư Yang Sin, Konkakinh..
Giá trị: Nguồn gen qúy, hiếm và độc đáo. Đại diện duy nhất của chi Cleisostomopsis đặc hữu hẹp của miền Trung Việt Nam. Có thể trồng làm cảnh.
Tình trạng: Loài hiếm. Mức độ đe dọa: Bậc R.
Đề nghị biện pháp bảo vệ: Là đối tượng bảo vệ trong thiên nhiên của khu rừng cấm trên núi Langbian. Cần gấp rút thu thập cây sống đem về trồng trong vườn thực vật để giữ và nhân giống.
Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam – trang 322.
CẦN TƯ VẤN KỸ THUẬT LIÊN QUAN ĐẾN NẤM BỆNH HẠI VÀ QUY TRÌNH KỸ THUẬT VỀ CÂY TRỒNG
XIN MỜI BÀ CON GỌI ĐIỆN THOẠI VỀ SỐ 0982.427.033