CHIA SẺ MỘT SỐ KINH NGHIỆM TRỒNG LAN MOKARA
Trong bài này chúng tôi giới thiệu một số kinh nghiệm trồng và chăm sóc lan Mokara do kỹ sư Đỗ Nữ Lệ Quyên (Trại giống cây trồng Đồng Tiến, Q.12) trình bày.
Lan Mokara là một trong số loài lan nhiệt đới được trồng nhiều ở nước ta. Ở TP HCM những năm gần đây các nhà vườn trồng lan tập trung khá mạnh vào các loài như Mokara, Cattleya, Cymbidium, Dendrobium, Lycaste, Oncidium, Vanda.
Mokara thuộc loại lan đơn thân, sống ký sinh, nó là kết quả lai 3 của các giống: Arachis x Vanda x Ascoceantrum. Mokara có khả năng thích nghi với điều kiện môi trường như sau:
Về ánh sáng: Để ra hoa, mỗi ngày cần chiếu sáng suốt 6 giờ liền, không được ánh sáng trực tiếp, do đó ta sử dụng lưới có độ che phủ từ 20%-30% ánh sáng.
Nhiệt độ: Mokara có thể trồng được trong môi trường nóng từ 27°C – 32°C, ban đêm từ 17°C – 22°C.
Độ ẩm: Mức độ ẩm cao xung quanh là điều cơ bản cho các giống cây xuất xứ ở vùng nhiệt đới. Sự tăng nhiệt độ có nghĩa là hạ ẩm độ, vì thế ta phải dùng các phương pháp để kiểm soát ẩm độ. Ẩm độ thích hợp: 50%-60%.
Độ thông thoáng: Ở môi trường thông gió tốt, cây trồng không bị hư hại nghiêm trọng do nhiệt độ ở mức thấp hơn theo sự đòi hỏi tối thiểu.
Nước tưới: Trước tiên chúng ta phải xét đến chất lượng nước: nước ngọt, ít lượng muối hòa tan bên trong, nước không bị phèn, bẩn, acid, clo. PH thích hợp:5,5-6,5. Đây được xem là yếu tố quan trọng để ta lập vườn.
Để có một vườn lan Mokara phát triển tốt thì kỹ thuật trồng và chăm sóc được chú trọng nhiều. Mokara có thể trồng chậu hoặc luống.Thực tế người ta áp dụng việc trồng lan theo luống vì nó tiết kiệm chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời phù hợp với mục đích kinh doanh. Chất trồng được sử dụng là vỏ dừa, vỏ đậu phộng.
Ở phong lan nói chung và Mokara nói riêng, hiện nay người ta quen dùng phân bón dưới dạng nước, thông thường từ 1g-2g phân pha trong 1 lít nước. Phân bón thường được thể hiện ở dạng NPK, và tỉ lệ NPK thay đổi tùy theo giai đoạn phát triển của cây. Ở cây nhỏ thì tỉ lệ N cao, cây trưởng thành thì tỉ lệ NPK bằng nhau, khi muốn cây ra hoa thì tỉ lệ P và K phải cao. Ngoài ra ta có thể sử dụng thêm phân hữu cơ: phân cá, bánh dầu….và phân vi lượng . Một tuần ta có thể bón phân cho lan từ 2-3 lần.
Trong quá trình phát triển, lan sẽ bị sâu bệnh phá hoại. Một số bệnh thường gặp trên lan Mokara và cách trị bệnh như sau:
Bệnh thối đọt đen: Nếu nhiễm nặng thì tốt nhất là tiêu hủy, nếu bị 1 phần thì sử dụng loại thuốc có gốc Lutamol.
Bệnh đốm lá: Cắt bỏ lá bệnh, sử dụng thuốc có thành phần Benomyl.
Bệnh thối rễ: nguyên nhân do nấm Pythium và Phytopthora, nó làm chết hàng loạt lan con, do giá thể quá ẩm. Cách trị: cắt bỏ gốc và rễ nằm phía dưới để chống lây nhiễm. Sau đó dùng thuốc trị nấm gốc Etridiazole.
Ở Mokara, sự xuất hiện sâu không đáng kể, và khi xuất hiện sâu ta mới phun thuốc. Các loại sâu thường có là: nhện đỏ, rầy, bọ trĩ…nên thuốc đặc trị là : Mitac,Ortus, Trebon…
Với điều kiện thích hợp , lan Mokara đã dần dần trở nên quen thuộc với người nông dân ở các vùng lân cận TP.HCM như Củ Chi, Thủ Đức, Hóc Môn. Và nó đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người nông dân.
CẦN TƯ VẤN KỸ THUẬT LIÊN QUAN ĐẾN NẤM BỆNH HẠI VÀ QUY TRÌNH KỸ THUẬT VỀ CÂY TRỒNG
XIN MỜI BÀ CON GỌI ĐIỆN THOẠI VỀ SỐ 0982.427.033