Chat hỗ trợ
Chat ngay
KIẾN THỨC VỀ LAN

NHÂN GIỐNG LAN HÀI ĐỎ – PAPHIOPEDILUM DELENATII

Posted On September 26, 2020 at 8:01 am by / No Comments

Paphiopedilum delenatii (hài Đỏ, hài Gấm, hài Hồng) là một trong những loài lan đặc hữu của Việt Nam được Guillaumin mô tả lần đầu vào năm 1924 và ghi xuất xứ ở Bắc Việt Nam. Qua hơn 70 năm (1922-1993), không ai phát hiện lại lan hài đỏ có ở Việt Nam.

Lan hài Paphiopedilum sp. Hiện nay đã thống kê được hơn 60 loài lan Hài (Paphiopedilum sp.) trên toàn thế giới. Chúng phân bố từ Hymalaya đến Indonesia, Philippines. Một trong những cái nôi của giống lan hài là ở biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Đa số lan hài mọc thành từng đám ở kẽ đá, nhất là đá vôi, bờ suối có cát, đất mùn và lá cây mục cùng rêu và dương xỉ. Rất ít loài là phong lan sống bám ở cây cao.

Ở Việt Nam có khoảng 23 loài lan hài đã được ghi nhận gồm có: P.hangianum; P.emersonii; P.armenniacum; P.godefroyae; P.concolor; P.malipoense; P.hiepii; P.micranthum; P.delenatii; P.vietnamense; P.dianthum; P.helenae; P.herrmannii; P.hirsitissimum; P.tranlienianum; P.villosum; P.affine; P.gratrixianum; P.henryanum; P.purpuratum; P.callosum; P.appletonianum; P.amabile.

1. Lan hài đỏ Việt Nam (Paphiopedilum delenatii)

Lan Hài thuộc họ Orchidaceae, họ phụ II Cypripedioideae, chi Paphiopedilum và loài P. delenatii Guillaumin.

Paphiopedilum delenatii (hài Đỏ, hài Gấm, hài Hồng) là một trong những loài lan đặc hữu của Việt Nam được Guillaumin mô tả lần đầu vào năm 1924 và ghi xuất xứ ở Bắc Việt Nam. Qua hơn 70 năm (1922-1993), không ai phát hiện lại lan hài đỏ có ở Việt Nam.

Lan hài đỏ được tái phát hiện ở Bác Ái, Ninh Sơn, Khánh Hòa do tiến sĩ Peter Schwott (Đại Học Praha, Tiệp Khắc) và các nhà khoa học của Phân viện Sinh học tại Đà Lạt thực hiện vào năm 1993. Hiện nay ghi nhận chúng có mặt ở nhiều địa phương như  Cao Bằng, Đak Lak, Lâm Đồng, Khánh Hòa,…

2. Sơ lược về tình hình nghiên cứu nhân giống cây lan hài:

Phương pháp nuôi cấy vô trùng trong nhân giống lan hài khó thực hiện thành công vì mẫu nuôi cấy của loài này rất khó bảo quản. Nhiều thử nghiệm về mẫu cấy như chồi đỉnh, chồi lấy từ cây con nẩy mầm trong ống nghiệm hoặc  thành lập môi trường nuôi cấy mô sẹo từ protocorm, tái sinh lan hài là thông qua sự hình thành chồi từ nuôi cấy lá…. đã được thực hiện nhưng tỉ lệ hình thành mô sẹo và khả năng tái sinh thấp..

Một phương pháp khác được ứng dụng là sử dụng hạt nẩy mầm in vitro để sản xuất cây con. Từ cây con in vitro, các mô sẹo được cảm ứng từ protocorm có nguồn gốc từ hạt, được cấy chuyền trên môi trường có chứa nồng độ 2,4–D và TDZ cao, những mô sẹo này có khả năng tái sinh thành cây hoàn chỉnh thông qua bước trung gian hình thành PLB. Một mảnh nhỏ mô sẹo này có thể tái sinh từ 3-7 chồi trong 3 tháng và chúng có thể được giữ trên môi trường nuôi cấy trong 3 năm mà không mất đi khả năng tái sinh. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề chưa được giải quyết như tính bền vững về mặt di truyền của những cây được tái sinh….  Người ta cũng tiến hành phương pháp nuôi cấy huyền phù tế bào từ những dòng mô sẹo có nguồn gốc từ protocorm và nuôi cấy mô sẹo có tính toàn thể từ những loại mô khác của Paphiopedilum.

3. Nhân giống cây lan hài đỏ tại Việt nam:

Cây hoa lan hài đỏ là loài thực vật đặc hữu của Việt Nam, được CITES công nhận và bảo vệ. Phân viện Sinh học tại Đà Lạt đã tiến hành nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật gây vết thương trong nhân giống cây lan hài đỏ này.

Vật liệu và phương pháp thí nghiệm:

* Nguồn mẫu: Lan hài đỏ được thu hái tại Khánh Hòa, nuôi trồng tại Phân viện Sinh học tại Đà Lạt. Cây ra hoa và đã được định danh một cách cụ thể.

Nguồn mẫu sử dụng trong các thí nghiệm là các cây lan hài con in vitro 6 tháng tuổi, thu được bằng cách gieo hạt trong ống nghiệm. Chọn lựa các cây con có độ cao đồng đều (1,2-1,5 cm) để làm thí nghiệm.

Bên cạnh đó, phân viện cũng đã thành công trong việc nhân giống vô tính lan hài đỏ bằng cách nuôi cấy chồi ngủ của phát hoa trên môi trường MS bổ sung NAA, BA; than hoạt tính; nước dừa; glucose … và sau 3 tháng đã thu được cây con in vitro.

* Môi trường nuôi cấy được sử dụng:

Môi trường gieo hạt: Sử dụng môi trường Knudson C.

Nuôi cấy trên môi trường lỏng: Sử dụng môi trường dinh dưỡng khoáng MS không bổ sung agar, có đặt cầu giấy lọc. Cầu giấy lọc có vai trò như là giá thể và giúp hấp thu phenol tiết ra trong quá trình thí nghiệm.

Nuôi cấy trên môi trường đặc: Sử dụng môi trường dinh dưỡng khoáng MS hoặc 1/2MS có bổ sung agar.

* Phương pháp gây vết thương:

Phương pháp gây vết thương được thực hiện nhằm mục đích kích thích sự hình thành chồi của những cây lan hài đỏ được gieo hạt in vitro cũng như từ phát hoa. Dụng cụ thực hiện gây vết thương là mũi kim nhọn (Æ=0,3mm). Cây lan hài in vitro được xử lý cắt  bỏ rễ cẩn thận, tránh cắt phạm vào phần đế gần rễ. Dùng dụng cụ gây vết thương đã xử lý tiệt trùng châm vào xung quanh phần đế gần rễ 3-4 lần, sau đó đặt vào môi trường nuôi cấy đã chuẩn bị sẵn.

Hình 2. Các phương pháp nhân giống cây lan hài (gieo hạt, nuôi cấy phát hoa, kỹ thuật gây vết thương).

* Kết quả thực hiện:

(1) Khảo sát các kỹ thuật kích thích sự hình thành chồi của lan hài đỏ: Sau 3 tháng tiến hành các thí nghiệm, chúng tôi ghi nhận được các kết quả sau:

– Ở các mẫu được kích thích để hình thành chồi bằng phương pháp gây vết thương tỷ lệ mẫu sống sót từ 50-85%. Các mẫu không sử dụng phương pháp gây vết thương tỉ lệ mẫu sống rất cao, nhiều nghiệm thức mẫu phát triển tốt và có lá mới nhưng không hình thành chồi mới.

–  Quan sát tình trạng chồi cho thấy ở môi trường lỏng có hiệu quả hơn so với môi trường rắn. Số chồi trong thí nghiệm nuôi cấy trên môi trường lỏng nhiều hơn và tình trạng chồi khỏe hơn.

Phương pháp gây vết thương có hiệu quả rõ rệt trong việc kích thích tạo chồi. Tỷ lệ mẫu sống sót phụ thuộc vào mức độ gây tổn thương hoặc mẫu bị chìm ngập trong môi trường nuôi cấy lỏng. Sự phát triển của mô có thể bị thay đổi hoàn toàn nếu chúng được nuôi cấy trên môi trường đặc hoặc lỏng. Như vậy, sự lựa chọn môi trường rắn hay lỏng trong nuôi cấy là cần thiết.

(2) Khảo sát sự ảnh hưởng của các chất điều hòa tăng trưởng phối hợp đối với sự hình thành chồi. Số liệu được ghi nhận sau 3 tháng nuôi cấy như sau:

– Ở cùng nồng độ chất điều hòa tăng trưởng, nuôi cấy trên môi trường lỏng tỏ ra có hiệu quả cao hơn so với môi trường rắn về số lượng chồi và tình trạng phát triển của chồi.

– Sự kết hợp giữa TDZ và NAA có ảnh hưởng tốt nhất khi mẫu được nuôi cấy trên môi trường lỏng.

Hình 3. Sự hình thành chồi lan hài đỏ từ phương pháp gây vết thương

(3) Nghiên cứu khả năng nhân nhanh chồi thông qua sự tạo mô sẹo trực tiếp từ lá non và hạt mới nẩy mầm in vitro:

Qua theo dõi tỷ lệ sống sót và tình trạng phát triển của mẫu trong thời gian 40 ngày, chúng tôi nhận thấy với mẫu cấy là các hạt mới nẩy mầm sẽ cho kết quả tốt, đặc biệt là nuôi cấy trong tối và trên môi trường 1/2MS. Như vậy, trạng thái sinh lý của nguồn mẫu, thành phần dinh dưỡng trong môi trường, điều kiện nuôi cấy chính là những đặc điểm có ý nghĩa quan trọng.

Tóm lại, phương pháp gây vết thương kết hợp với nuôi cấy trên môi trường lỏng bổ sung nồng độ thích hợp chất điều hòa tăng trưởng TDZ và NAA đã đem lại một kết quả khả quan trong việc tìm ra một phương pháp nhân giống in vitro trên đối tượng cây lan hài đỏ. Hệ số nhân của lan hài đỏ được thiết lập thông qua phương pháp gây vết thương và nuôi cấy trên môi trường lỏng là 52, có hiệu quả hơn gấp 25 lần so với phương pháp nhân giống bằng cách gieo hạt in vitro đơn thuần.

4. Một số vấn đề về kỹ thuật trồng và chăm sóc lan hài

Lan hài là một trong những loài lan được trồng phổ biến. Các yếu tố cần thiết cho trong quá trình sinh trưởng và phát triển của chúng gồm:

* Về ánh sáng: Hầu hết lan hài ưa ánh sáng yếu. Điều kiện ánh sáng nhân tạo cho hầu hết các loài lan là từ 11.000–22.000 lux (Koopowitz và Hasegawa, 1987). Nếu lá bị vàng hoặc phát hoa ngắn chứng tỏ chúng đang dư ánh sáng, nếu lá màu xanh đậm và mềm hoặc phát hoa dài, yếu, chúng đang thiếu ánh sáng. Cây không ra hoa có thể do thiếu ánh sáng hoặc nhiệt độ không phù hợp.

* Không khí: Là một yếu tố quan trọng nhưng rất  ít được quan tâm. Rễ lan hài cần được cung cấp không khí đầy đủ, nếu không thoáng khí cây rất dễ bị nhiễm nấm ở rễ. Phân bón quá ẩm ướt hoặc vón cục dễ làm hư rễ. Cần chú ý đến không khí trong vùng nuôi trồng không để quá khô hay quá ẩm ướt.

* Nước tưới: Lan hài thường mọc nơi ẩm ướt, không có giả hành để dự trữ nước nên việc tưới nước là rất quan trọng. Cần tưới 1–2 lần/ngày bằng vòi phun sương và nên có một khoảng thời gian khô nhẹ giữa 2 lần tưới. pH của nước từ 6,2–6,6. Không nên để nước đọng ở đọt cây, chồi hoa, nhất là vào mùa nắng, sẽ làm thối đọt và hư hoa. Mùa mưa cần giữ cây tránh ngập úng và thối đọt.

* Giá thể trồng: Đa số lan hài là bán địa lan hay thạch lan (sống trên đá vôi) nên chậu và giá thể trồng phải được giữ ẩm tốt và không được úng, vì vậy chậu trồng nên có nhiều lỗ và giá thể trồng không nên có đất. Hỗn hợp trồng tốt là xơ dừa hoặc dớn sợi, than gỗ vụn, lá khô vụn, phân gia súc khô; đối với các loài sống trên đá vôi thì cần thêm vài viên đá vôi nhỏ, có thể thay bằng vỏ trứng hoặc vỏ sò đập vụn.

* Phân bón: Có thể bón phân NPK với tỉ lệ 20:20:20 hoặc 14:14:14, bổ sung khoảng 40mg/l Ca2+ và 20–30mg/l Mg2+. Cần theo dõi để bổ sung đá vôi, vỏ sò, vỏ ốc vào giá thể trồng của các loài lan hài háo vôi. Tưới nước đậm trước và sau khi bón phân, nếu thấy đầu lá bị nâu khô thì nên dừng hẳn việc tưới phân. Sang chậu khi giá thể trồng có dấu hiệu mục nát.

  1. Dương Tấn Nhựt

Phân viện Sinh học tại Đà Lạt

Theo Lamdong.gov.vn

CẦN TƯ VẤN KỸ THUẬT LIÊN QUAN ĐẾN NẤM BỆNH HẠI VÀ QUY TRÌNH KỸ THUẬT VỀ CÂY TRỒNG

XIN MỜI BÀ CON GỌI ĐIỆN THOẠI VỀ SỐ 0982.427.033