LAN HÀI TRẦN LIÊN – PAPHIOPEDILUM TRANLIENIANUM
Loài lan hài được mô tả, đặt tên một người phụ nữ Việt Nam bà Trần Ngô Liên này có kích thước nhỏ, cánh hoa màu tía – nâu với chóp màu lục, hình thuôn, bóng, mép lượn sóng, có lông trắng.
Tên Việt Nam: Lan hài Trần Liên
Tên Latin: Paphiopedilum tranlienianum
Đồng danh: Paphiopedilum tranlienianum Gruss & Perner, 1998. Paphiopedilum caobangense N.T. Tich, 1999, nom illeg.
Họ: Phong lan Orchidaceae
Bộ: Phong lan Orchidales
Lớp (nhóm): Lan đất
Đặc điểm nhận dạng: Cây lâu năm, có 3 – 6 lá xếp thành 2 dãy. Lá hình dải, cỡ 18 x 1,7 cm, mặt trên màu lục bóng với mép nhạt hơn, mặt dưới màu lục nhạt với nhiều chấm màu tím ở gốc. Cụm hoa có cuống dài 7 – 15 cm, thường mang 1 hoa. Lá bắc hình trứng, cỡ 1,7 – 2,5 x 1,6 cm, lông ngắn ở gân giữa và mép tận cùng. Hoa rộng 5,5 – 6 cm; lá đài có lông ngắn ở mặt ngoài; lá đài gần trục hoa màu trắng, gốc chuyển thành màu lục với sọc màu tía – nâu, gân tròn, cỡ 3 x 3 – 3,5 cm; lá đài kia màu lục nhạt, hình trứng, cỡ 2,5 x 1,1 – 1,8 cm; cánh hoa màu tía – nâu với chóp màu lục, hình thuôn, cỡ 3 – 3,4 x 0,7 – 0,9 cm, bóng, mép lượn sóng, có lông trắng, gốc có nhiều lông nâu – tía nhạt; môi màu đỏ – nâu thẫm, cỡ 3,7 – 3,9 x 1,6 cm; nhị lép, hình trứng ngược, cỡ 8 – 10 x 7 – 9 mm, có mủ bóng; bầu dài 3 – 4 cm, phủ đầy lông ngắn nâu nhạt.
Sinh học và sinh thái: Mùa hoa tháng 9 – 11. Tái sinh bằng hạt. Mọc dưới tán rừng nguyên sinh rậm thường xanh nhiệt đới mưa mùa cây lá rộng ưu thế Nghiến trên núi đá vôi, ở độ cao 400 – 650 m, rất rải rác trong các khe nứt, ít đất của các vách dựng đứng ở sườn núi.
Phân bố:
Trong nước: Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang (Na Hang) và Thái Nguyên (Đồng Hỷ: Mỏ Ba).
Thế giới: Chưa biết.
Giá trị: Loài đặc hữu rất hẹp của Bắc Việt Nam. Loài cây làm cảnh quý vì hiếm, có hoa đẹp sặc sỡ, hài hòa với lá hình dải.
Tình trạng: Loài vốn có khu phân bố rất hẹp và nơi cư trú rải rác với số lượng cá thể rất ít ỏi, trong vài năm gần đây lại bị tận thu để xuất khẩu lậu qua biên giới nên đang bị tuyệt chủng. Hiện nay chỉ còn sót lại rất rải rác một số cây ở các khe núi khuất và cao khó thu hái, nhưng số phận của chúng cũng rất mong manh do môi trường sống là rừng bị chặt và đốt và do vẫn tiếp tục bị tận thu.
Phân hạng: EN A1a,c,d, B1+2e.
Biện pháp bảo vệ: Đã liệt kê vào Phụ lục 1 của công ước CITES và Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (nhóm 1) của Nghị định số 32/2006/NĐ – CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ để nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Bảo vệ phần quần thể nhỏ nhoi còn sót lại ở Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang. Cần nhân rộng việc gieo ươm để vừa tạo nguồn cây làm cảnh đồng thời bảo vệ nguồn gen
Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam năm 2007 – phần thực vật – trang 468.
CẦN TƯ VẤN KỸ THUẬT LIÊN QUAN ĐẾN NẤM BỆNH HẠI VÀ QUY TRÌNH KỸ THUẬT VỀ CÂY TRỒNG
XIN MỜI BÀ CON GỌI ĐIỆN THOẠI VỀ SỐ 0982.427.033