Chat hỗ trợ
Chat ngay
KIẾN THỨC VỀ LAN

CÁCH TRỒNG VÀ CHĂM SÓC LAN KIỀU HỒNG – DENDROBIUM AMABILE

Posted On September 24, 2020 at 4:33 pm by / No Comments

Kiều Hồng – Dendrobium amabile là loại hoàng thảo thuộc họ thủy tiên, giả hành tích trữ nước, rễ của chúng phát triễn rất khỏe nên về cơ bản là khá dễ trồng.

Cây thộc loại giả hành lớn, khác với farmeri thân vuông, amabile thân tròn, màu nâu hoặc xanh đen; dài từ 40-100 cm, lá mọc so le từ khoảng giữa thân đến ngọn. Cây được gọi với các tên như thuỷ tiên hường, thuỷ tiên tím hay kiều tím, kiều hường, kiều hồng, Lan hoàng thảo thơm, Lan thủy tiên hường. Hoa Kiều Hồng không bền lắm chỉ khoảng 5-10 ngày nhưng hoa dạng chùm to, màu sắc tươi sáng nổi bật, nhất là khi nắng chiếu vào chùm hoa ta có cảm giác nó sáng rực lên cực kỳ đẹp. Do đặc điểm của vùng miền khác nhau mà cánh hoa có màu trắng hay màu tím

Kiều hồng có thân cứng, tròn, màu xanh đen, thường dài 30-80 cm, dọc thân có rãnh, lá rất dày màu xanh thẫm và xanh tốt quanh năm, lá tròn bầu dài chừng 10-12 cm, rộng 6-8 cm, loài này không có mùa nghỉ nên ít rụng lá vào mùa đông. Hoa mọc từng chùm dài 20-25 cm ở gần ngọn, đường kính chùm hoa khoảng 10 cm gồm nhiều bông đơn lẻ. Hoa màu hồng nhạt, cuống hoa và bầu dài 4 – 5 cm. Các lá đài hình mác, đỉnh hơi nhọn, dài 2,8 – 3 cm, rộng 1,4 – 1,6 cm. Cằm dài 0,4 – 0,8 cm, đỉnh tròn. Cánh hoa hình bầu dục, đỉnh tròn, dài 3 – 3,2 cm, rộng 1,9 – 2 cm, mép xẻ răng nhỏ. Môi hình gần tròn, dài và rộng 2,6 – 2,8 cm, viền trắng ở mép, giữa là 1 đốm màu vàng cam. Hoa nở rộ vào mùa hè khoảng cuối tháng 5 đến giữa tháng 6 dương lịch, mùi hơi thơm ngọt.

Cây ưa ẩm và đến lúc ra rễ nhiều ta đưa ra nơi có nhiều nắng sẽ sai hoa, trồng được cả trong chậu và ghép gỗ, khá dễ thuần, ra rễ nhanh và nhiều. Kiều hồng không rụng lá để ra hoa cho nên có cắt nước thì cũng không cắt triệt để như lan thân thòng bởi nó còn phải nuôi lá nữa, thiếu nước lâu dài nó bị xuống lá nhìn sẽ xấu đi.

Cách trồng và chăm sóc Lan Kiều Hồng:

Vì kiều hồng không có mùa nghỉ nhưng phát triển mạnh nhất vào mùa Xuân – Hè nên thời điểm ghép tốt nhất chính là mùa này. Tốt nhất là nên chọn nguyên giề, chọn bụi nhiều thân trưởng thành, không già, không non quá.

Giá thể nên chọn gỗ nhãn, vũ sữa, các loại gỗ cứng bền vỏ dày hoặc gỗ lũa còn chắc, tươi, không có sâu mọt, không mục. Không nhất thiết nhưng nếu ngâm giá thể qua nước vôi trong khoảng nửa – 1 ngày trước khi ghép thì càng tốt.

Tôi thường xử lý cây rồi ghép khá nhanh và đơn giản, không cần cầu kỳ đủ các loại thuốc với liều lượng chi li như nhiều bài viết khác, cứ gần theo chỉ dẫn trên chai là được (vì thực tế tôi không dùng các dụng cụ đo chính xác mà cứ áng chừng lượng thuốc và nước mà pha thấy cũng không có vấn đề gì xảy ra, thực vật nó không bị phản ứng nhanh, mạnh với tác động khách quan như động vật, động vật lỡ ăn thuốc quá liều là biết ngay 😀 ), tôi cũng thường không chờ thời gian mấy ngày mới ghép (trừ khi bận hoặc lười chưa muốn ghép ngay). Kiều hồng mới mua về cắt ngắn rễ cách gốc 3-5 cm, xối nước sạch, ngâm cả cây vào dung dịch Atonik hoặc B1 hoặc N3M (nhỏ thêm vài giọt thuốc trị nấm như Ridomil càng tốt, không có thì thôi) khoảng 1-2 tiếng rồi nhấc ra ghép. Có thể dùng dây nylon buộc, dùng đinh + ống dây tio đóng chặt phần gốc với giá thể nhưng theo tôi ghép lan vào gỗ cứ mua dây thít nhựa về thắt, vừa rất nhanh, đẹp, gọn, chặt mà cũng rẻ và bền. Ghép xong tránh mưa, treo nơi râm mát, hàng ngày tưới phun sương toàn bộ cây 1-2 lần tùy môi trường trồng khô hay ẩm, nhiều hay ít gió, thấy khô có thể tưới, 01 tuần 01 lần ta lại phun B1 hoặc Atonik để kích rễ.

Kiều hồng có bộ rễ khỏe, thân trữ nước nên khá dễ chăm nhưng cần chú ý rễ phải thoáng, không để sũng gốc, cây thường chết do thừa nước chứ không chết vì thiếu nước, do vậy vườn nhà ai ẩm mát ta ghép gỗ hoặc lũa thì tương đối an toàn vì thoát nước ngay sau khi tưới mà không sợ bị khô, vườn nhà ai khô nóng thì nên trồng chậu đất nung với than củi to + vỏ thông + xơ dừa tuy nhiên phải thường xuyên thò tay vào giá thể kiểm tra, nếu còn ẩm mát thì không tưới, chỉ tưới khi khô hoàn toàn. Loài này chịu nắng khá tốt, khoảng 70-80% nhưng không ưa mưa nắng thất thường, mới ghép nên tránh mưa kẻo thối ngọn. Thời gian trước mùa ra hoa khoảng 1 tháng ta tưới nước lã ít đi nhưng vẫn phun NPK 10-30-10 một lần/tuần để kích hoa đồng thời đưa giò ra nơi nhiều nắng một chút, càng tưới nhiều nước lã hay thiếu nắng vào thời điểm này là ko hoa chỉ ra thân mầm. Sau mùa hoa cây cần nhiều nước và thời gian này cũng rất nóng, ta lại đưa giò vào nơi ít nắng hơn, tưới nhiều hơn, bón phân bón lá NPK 30-10-10 hàng tuần để hỗ trợ phát triển sinh trưởng cho thân non mới lên.

cách trồng và chăm sóc lan Kiều Hồng - Dendrobium amabile

cách trồng và chăm sóc lan Kiều Hồng - Dendrobium amabile

CẦN TƯ VẤN KỸ THUẬT LIÊN QUAN ĐẾN NẤM BỆNH HẠI VÀ QUY TRÌNH KỸ THUẬT VỀ CÂY TRỒNG

XIN MỜI BÀ CON GỌI ĐIỆN THOẠI VỀ SỐ 0982.427.033